top of page

MSDS là gì?Thông tin nào cần phải có trong MSDS?

Đã bao giờ các bạn thắc mắc tại sao một số loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc các loại thực phẩm dạng bột không phải là hoá chất nguy hiểm, nhưng khi vận chuyển bằng đường hàng không đi nước ngoài, an ninh hàng không tại sân bay lại yêu cầu cung cấp bảng chỉ dẫn an toàn MSDS? 

Thực ra, điều này là để kiểm tra độ an toàn của thành phần đối với người tiêu dùng khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Vậy MSDS là gì? Ai là người làm MSDS? Hãy tham khảo bài viết sau của chúng tôi, Gateway Express sẽ giải thích rõ ràng hơn về MSDS.


MSDS là gì?

Material Safety Data Sheet (MSDS) là tài liệu cung cấp thông tin về các mối nguy tiềm ẩn (sức khỏe, hỏa hoạn, phản ứng và môi trường) và cách làm việc an toàn với sản phẩm hóa chất. Nó cũng chứa thông tin về việc sử dụng, bảo quản, xử lý và các quy trình khẩn cấp liên quan đến các mối nguy hiểm của vật liệu. 

Từ ngày 1/9/2015, an ninh hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài quy định tất cả các mặt hàng ngoài hoá chất, tạp chất thì thực phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm dạng kem, lỏng, bột, nước đều cần có bảng chỉ dẫn an toàn MSDS. Chỉ khi nào khách hàng cung cấp đầy đủ chứng từ thì lô hàng mới được phép xuất ra khỏi Việt Nam. Không có bất kì trường hợp ngoại lệ nào thiếu MSDS mà hàng hoá được xuất thông qua các hãng chuyển phát nhanh Quốc tế như GWE, FedEx, TNT & UPS tại Việt Nam.


Tại sao lại cần MSDS?

MSDS chứa nhiều thông tin về vật liệu hơn nhãn. MSDS được chuẩn bị bởi nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất vật liệu sẽ cho biết những nguy cơ của sản phẩm là gì, cách sử dụng sản phẩm an toàn, điều gì sẽ xảy ra nếu không tuân theo các khuyến nghị, phải làm gì nếu có tai nạn hoặc sự cố.


Ai là người làm MSDS?

MSDS sẽ do shipper (người gửi có thể là công ty sản xuất, nhà phân phối – công ty thương mại, cá nhân…) cung cấp để khai báo. Một MSDS hoàn chỉnh yêu cầu chính xác từ thông tin sản phẩm, tên gọi cho đến các thành phần, độ sôi, nhiệt độ cháy nổ và hình thức được phép vận chuyển (qua đường hàng không hoặc đường biển).

Một MSDS cần có mộc tròn của công ty sản xuất hoặc công ty phân phối sản phẩm, hoặc người gửi có vai trò pháp lý. Đó là lý do vì sao một MSDS giả (thông tin trên MSDS không trùng khớp với thông tin in trên sản phẩm) sẽ bị xử phạt theo quy định của Pháp Luật. Lô hàng kèm theo MSDS sẽ gửi từ các đơn vị vận chuyển, sau đó chuyển qua GWE, FedEx, TNT, UPS, tiếp theo Hải quan An ninh hàng không sẽ có trách nhiệm kiểm tra thực tế MSDS và hàng hoá. Nếu sai phạm, người gửi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm: lô hàng sẽ bị tạm giữ, yêu cầu lập biên bản, đóng phạt sau đó hàng hoá có thể được trả về thậm chí bị tiêu huỷ.


Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu hàng nguy hiểm, chất độc hại phải:


• Chuẩn bị MSDS cho mỗi sản phẩm 

• Cung cấp MSDS hiện tại cho người sử dụng lao động hoặc người cư ngụ trong cơ sở nơi sản phẩm được sử dụng hoặc lưu trữ

• Xem xét và sửa đổi mỗi MSDS thường xuyên khi cần thiết và ít nhất 5 năm một lần để đảm bảo rằng thông tin là chính xác và luôn được cập nhật 


Thông tin nào cần phải có trong MSDS?

Các thông tin phải có trong MSDS bao gồm:

  • THÔNG TIN SẢN PHẨM: tên gọi thương phẩm, tên gọi hóa học và các tên gọi khác cũng như các số đăng ký CAS, RTECS…

  • Tên nhà sản xuất và nhà cung cấp, địa chỉ và số điện thoại khẩn cấp

  • DỮ LIỆU VẬT LÝ: biểu hiện bề ngoài, màu sắc, mùi vị, tỷ trọng riêng, nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi, điểm bắt lửa, điểm nổ, điểm tự cháy, độ nhớt, tỷ lệ bay hơi, áp suất hơi, thành phần phần trăm cho phép trong không khí, khả năng hòa tan trong các dung môi như nước, dung môi hữu cơ,…

  • Thành phần hóa học, họ hóa chất, công thức và các phản ứng hóa học với các hóa chất khác như axit, chất oxi hóa

  • DỮ LIỆU NGUY CƠ CHÁY NỔ: các nguy hiểm chính về cháy nổ, tác động xấu lên sức khỏe người lao động và nguy hiểm về phản ứng, ví dụ theo thang đánh giá NFPA từ 0 tới 4.

  • DỮ LIỆU VỀ KHẢ NĂNG PHẢN ỨNG: thông tin về tính không ổn định hóa học của một sản phẩm và các chất mà sản phẩm có thể phản ứng với

  • THÔNG TIN VỀ ĐỘC TÍNH

  • Thành phần độc hại

  • Độc tính: 

  • Các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, chẳng hạn như gây tác động xấu tới mắt, da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, khả năng sinh sản cũng như khả năng gây ung thư hay gây dị biến, đột biến gen. Các biểu hiện và triệu chứng ngộ độc cấp tính và kinh niên.

  • Các tác động xấu lên các sinh vật khác và môi trường

  • Các điều kiện tiêu chuẩn để lưu giữ, bảo quản hóa chất trong kho (nhiệt độ, độ ẩm, độ thoáng khí, các hóa chất không tương thích…) cũng như các điều kiện cần tuân thủ khi tiếp xúc với hóa chất để tránh tai nạn và cải thiện độ an toàn.

  • BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA: 

  • Thiết bị bảo hộ lao động cần sử dụng khi làm việc với hóa chất.

  • Quy trình thao tác khi làm việc với hóa chất.

  • Phương pháp xử lý phế thải có chứa hóa chất đó cũng như xử lý khi bị rò rỉ hóa chất ra ngoài môi trường.

  • BIỆN PHÁP SƠ CỨU

  • Trợ giúp y tế khẩn cấp khi ngộ độc hay bị tai nạn trong khi sử dụng hóa chất.

  • Các thiết bị, phương tiện và trình tự, quy chuẩn trong phòng cháy – chữa cháy.

  • Các quy định về đóng gói, tem mác và vận chuyển.

  • Người chịu trách nhiệm chuẩn bị và ngày chuẩn bị MSDS.


Tổng kết lại

MSDS thường được áp dụng cho những mặt hàng có thể gây nguy hiểm cho quá trình vận chuyển như cháy nổ, hóa chất dễ ăn mòn, hàng hóa có mùi… MSDS có tác dụng chỉ dẫn cho người vận chuyển thực hiện các quy trình an toàn hàng hóa trong quá trình sắp xếp hàng, hoặc xử lý hàng khi gặp sự cố.

Mặc dù hiện tại MSDS đang được tiêu chuẩn hóa nhưng chất lượng của từng MSDS vẫn khác nhau. MSDS mang lại nhiều thông tin hữu ích nhưng chúng ta cũng cần phải chú ý thận trọng cũng như quản lý rủi ro một cách toàn diện.

Comentarios


bottom of page