Từ lâu, Logistics đã trở thành một công cụ không thể tách rời của mọi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh. Một bộ máy Logistics vận hành kém hiệu quả sẽ khiến toàn bộ dây chuyền hoạt động của doanh nghiệp bị trì trệ, ảnh hưởng cả về thời gian lẫn chất lượng.
Ngược lại, mọi nỗ lực nghiên cứu và thực thi dự án cho đến khi kết quả cuối cùng đạt được sẽ trở nên hoàn thiện và hạn chế được những bất cập tác động đến hoạt động kinh doanh – sản xuất của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trở nên vượt trội hơn so với các đối thủ khác nếu biết cách triển khai hiệu quả hoạt động Logistics.
Sau đây, Gateway Express sẽ cùng bạn tìm hiểu Logistics là gì, cũng như những lợi ích doanh nghiệp có thể đạt được từ hoạt động này.
Trong luật pháp Việt Nam, logistics là gì?
Thuật ngữ logistics đã được sử dụng chính thức trong Luật thương mại 2005. Điều 233 Luật thương mại cho biết:
“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”
Logistics là gì trong các tổ chức quốc tế?
Theo Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP) thì thuật ngữ này được định nghĩa khá đầy đủ như sau:
“Quản trị logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hoạt động của quản trị logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế mạng lưới logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói, dịch vụ khách hàng. Quản trị logistics là chức năng tổng hợp kết hợp và tối ưu hóa tất cả các hoạt động logistics cũng như phối hợp hoạt động logistics với các chức năng khác như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin.”
Vậy, chính xác Logistics là gì?
Theo Hội đồng quản trị logistics Hoa Kỳ (LAC- The US. Logistics Administration Council): “Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát dòng di chuyển và lưu kho những nguyên vật liệu thô của hàng hóa trong quy trình, những hàng hóa thành phẩm và những thông tin liên quan từ khâu mua sắm nguyên vật liệu đến khi được tiêu dùng, nhằm thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng”.
Có thể hiểu đơn giản, Logistics là một chuỗi nhiều hoạt động xoay quanh hàng hóa như: đóng gói, bao bì, lưu trữ hàng hóa, kho bãi, bảo quản, vận chuyển hàng hóa… Các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được đáng kể khoản chi phí vận chuyển, tránh việc “đội giá” sản phẩm và tăng mức lợi nhuận thu được nếu thực thi hoạt động Logistics hiệu quả.
Cho đến nay, đa phần người Việt đều định nghĩa logistics là “hậu cần”. Tuy nhiên, đó không phải ý nghĩa đầy đủ về logistics hiện đại, hầu hết những nhà chuyên môn đều đồng ý rằng dùng từ “hậu cần” để giải thích logistics vẫn chưa thực sự nhận thức được đầy đủ ý nghĩa về từ logistics hiện đại và do vậy giải pháp là hãy cứ để nguyên từ logistics trong ngôn ngữ nước ta (giống như marketing, container,…).
Phân loại Logistics theo quá trình
Inbound Logistics (Logistics đầu vào)
Bao gồm hoạt động tiếp nhận và lưu trữ nguyên vật liệu đầu vào từ nhà cung cấp đến doanh nghiệp, đảm bảo các yếu tố đầu vào được cung ứng một cách tối ưu về giá trị, thời gian và chi phí phục vụ cho quá trình sản xuất. Dòng dịch chuyển này cần được giám sát nghiêm ngặt để việc sản xuất diễn ra thuận lợi với mức chi phí thấp nhất, ít rủi ro nhất và hiệu quả nhất có thể.
Outbound Logistics (Logistics đầu ra)
Bao gồm các hoạt động như kho bãi lưu trữ, phân phối sản phẩm đến nơi nhận (nhà bán buôn, bán lẻ, khách hàng,…) sao cho tối ưu về địa điểm, thời gian và chi phí nhằm tạo ra thành phẩm với giá thành rẻ, đáp ứng toàn diện, kịp thời nhu cầu khách hàng và đem về lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp..
Reverse Logistics (Logistics ngược)
Bao gồm các hoạt động của quá trình thu hồi sản phẩm lỗi, phế phẩm, phế liệu,… phát sinh sau khi phân phối sản phẩm, nhằm mục đích tái chế hoặc xử lý.
Ý nghĩa trong kinh doanh của Logistics là gì?
Nhờ có Logistics mà các doanh nghiệp có thể giải được bài toán nguyên vật liệu vào cho đến đầu ra của sản phẩm một cách hiệu quả nhất.
Logistics giúp doanh nghiệp giảm được các chi phí vận hành, chi phí vận chuyển từ đó tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác.
Logistics còn là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho hoạt động Marketing của doanh nghiệp bằng cách đưa sản phẩm đến đúng thời điểm mà khách hàng đang có nhu cầu nhất, từ đó làm thỏa mãn khách hàng.
Rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của Logistics, từ đó tập trung xây dựng và phát triển các chiến lược Logistics để đạt được những thành công lớn.
Comments