top of page

FOB – Miễn trách nhiệm trên boong tàu

Hiện nay, việc mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các nước diễn ra rất phổ biến. Trên thế giới đã có những bộ luật hay chính sách áp dụng cho việc mua bán này. Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho cả người xuất nhập khẩu và những cán bộ giám sát. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu một cách đầy đủ về những điều khoản này cũng như cách sử dụng sao cho đúng và hiệu quả. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu FOB là gì cũng như cách sử dụng điều khoản này.


FOB là gì? 

FOB – Free on board – Miễn trách nhiệm trên boong tàu

Đây là một điều khoản giao hàng trong mua bán hàng hóa quốc tế và được thể hiện trong Incoterms. Theo đó người bán hàng hoàn thành trách nhiệm khi hàng đã được xếp lên boong tàu tại cảng xếp.

Khi sử dụng điều khoản FOB trong mua bán hàng hóa, người bán phải có trách nhiệm mang hàng từ kho người bán ra cảng và xếp hàng lên tàu. Họ sẽ phải chịu mọi chi phí vận chuyển hàng, làm thủ tục xuất khẩu, thuế (nếu có) cũng như các chi phí phát sinh. Người mua sẽ book tàu vận chuyển hàng, chịu chi phí cước biển, làm thủ tục thông quan nhập khẩu, thuế (nếu có) cũng như các chi phí phát sinh khác, cho đến khi hàng về đến kho người mua.

Nếu hàng hóa chưa được xếp lên tàu thì trách nhiệm vẫn là của người bán; còn nếu hàng hóa đã được xếp lên tàu thì trách nhiệm sẽ thuộc về người mua.

Dù hãng tàu có yêu cầu người bán giao hàng ở ICD hay cảng biển lớn đi chăng nữa, thì đến khi nào hàng đã nằm trên tàu biển ở cảng biển lớn rồi thì người bán mới hết trách nhiệm chịu rủi ro. Và rủi ro trong quá trình bốc hàng lên tàu lớn là do người bán chịu.


Giá FOB bao gồm những gì?

Giá FOB là giá tại cửa khẩu bên nước người bán, đã bao gồm chi phí vận chuyển ra cảng, làm thủ tục xuất khẩu và thuế xuất khẩu (nếu có). Giá này không bao gồm chi phí vận chuyển đường biển, hay phí bảo hiểm đường biển. 

Trong Hợp đồng thương mại cần chỉ rõ ràng và đầy đủ: 

FOB + Tên cảng xếp hàng (vị trí chuyển rủi ro)

Lấy tên cảng xếp hàng để biết được địa điểm chuyển giao quyền và nghĩa vụ các bên.


Ưu điểm và nhược điểm của FOB

Ưu điểm: 

Người bán không cần phải tìm đơn vị vận chuyển (forwarder hay hãng tàu), không phải mua bảo hiểm hàng hoá, địa điểm chuyển rủi ro sớm. Không cần liên hệ với nhiều nhà cung cấp để hỗ trợ lô hàng.


Nhược điểm: 

Bạn phải luôn vào tình huống bị động vì người mua book cước tàu. Có thể gặp khó khăn khi kéo container hoặc đóng hàng vào container.

Việc tu chỉnh chứng từ cũng khó khăn hơn, khó chủ động giá thị trường khi thị trường biến động vì bạn không làm với nhiều nhà cung cấp.  Ví dụ: nếu cộng cả giá cước tàu, cộng giá bảo hiểm,… thì người mua hàng sẽ không biết được giá hàng thực sự là bao nhiêu. Do đó khách hàng nước ngoài thường yêu cầu người bán chào 2 giá FOB và CIF để so sánh.

Lời khuyên là nên giành được thế chủ động. Vì rủi ro vận chuyển trên biển là không quá nhiều với những mặt hàng công nghiệp. Việt Nam ta thích FOB hơn vì chưa tự tin và chúng ta bắt đầu từ xuất khẩu nông nghiệp. Hàng nông nghiệp dễ hư hỏng do chưa có công nghệ bảo quản tốt. Do đó xuất FOB thành một thói quen. 

Theo tập quán thương mại nhiều quốc gia trên thế giới thì hầu hết các công ty nhỏ thường xuất khẩu FOB. Hơn nữa, chúng ta thường hiểu lầm vị trí chuyển rủi ro FOB và CIF. Thực tế FOB và CIF có vị trí chuyển rủi ro như nhau.

Nếu muốn tham khảo so sánh điều kiện CIF và FOB, bạn có thể xem thêm tại đây.


Một số khái niệm khác 

FOB SHIPPING POINT (FOB điểm giao hàng):

Shipping point – địa điểm giao hàng: Trên lan can tàu 

Tại đây quyền sở hữu và trách nhiệm đối với hàng hóa sẽ chuyển từ người bán sang người mua khi hàng hóa được xếp lên tàu. Lan can tàu là điểm chuyển rủi ro của điều kiện FOB. 


FOB DESTINATION (FOB điểm đến)

Ngược lại, quyền sở hữu và trách nhiệm đối với hàng hóa sẽ chuyển cho người mua, khi hàng được giao đến địa điểm chỉ định trên nước người mua.

Người bán sẽ chịu trách nhiệm với hàng hóa trong quá trình vận chuyển.

Điều kiện này thực tế ít thấy áp dụng với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Và nếu không để ý, sẽ rất dễ nhầm lẫn với điều khoản CFR (Cost & Freight).

 

Lưu ý khi sử dụng điều kiện FOB 

FOB được sử dụng với phương thức vận tải biển.

Theo quy định của điều kiện FOB thì dù hãng tàu có yêu cầu người bán giao hàng/giao container ở ICD hay cảng biển lớn đi chăng nữa, thì đến khi nào hàng đã nằm trên tàu rồi thì người bán mới hết trách nhiệm chịu rủi ro. 


Điển hình là, hãng tàu (do người mua thuê) gây ra lỗi lầm vận chuyển từ ICD ra cảng biển lớn, khiến hàng hóa bị hư hao, nhưng người bán phải gánh chịu thiệt hại này. Do đó, người bán phải hết sức lưu ý việc này: nếu người bán giao hàng bằng containers, hãng tàu yêu cầu người bán chở hàng đến giao ở ICD như trên, thì người bán nên chuyển sang sử dụng điều kiện FCA thay vì dùng FOB – để người bán có thể kết thúc trách nhiệm của mình ngay khi đã giao hàng cho hãng tàu tại ICD.


Vậy là với bài viết trên, chắc các bạn đã phần nào hiểu được FOB là gì? Cũng như trách nhiệm của các bên khi lựa chọn điều khoản này rồi đúng không. Đừng ngại liên hệ với chúng tôi nếu có thắc mắc nhé!

bottom of page