Hiệp định EVFTA là gì?
Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA và CPTPP là hai FTA có phạm vi cam kết rộng; mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU; đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). EVFTA được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/08/2020.
Một số nội dung chính của Hiệp định EVFTA
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS); các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT); thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường); đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh; doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ; sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững; hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
Thương mại hàng hóa
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế; tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế; tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Đặc biệt khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế; tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Các nội dung khác liên quan tới thương mại hàng hóa:
Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan; SPS; TBT; phòng vệ thương mại… tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác; tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Thương mại dịch vụ và đầu tư
Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO; tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.
Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn; dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư; đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.
Sở hữu trí tuệ
Cam kết về sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý,… Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)
Quy định về DNNN trong Hiệp định EVFTA nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Cam kết cũng tính đến vai trò quan trọng của DNNN trong việc thực hiện mục tiêu chính sách công; ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh – quốc phòng. Do đó, Hiệp định EVFTA chỉ điều chỉnh hoạt động thương mại của các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát và doanh nghiệp độc quyền có quy mô hoạt động thương mại đủ lớn đến mức có ý nghĩa trong cạnh tranh.
Thương mại điện tử
Để phát triển thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử. Hai bên cũng cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử, bao gồm:
– Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc truyền dẫn hay lưu trữ thông tin;
– Ứng xử với các hình thức liên lạc điện tử trong thương mại không được sự cho phép của người nhận (như thư điện tử chào hàng, quảng cáo…);
– Bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử.
Hai bên cũng sẽ hợp tác trao đổi thông tin về quy định pháp luật trong nước và các vấn đề thực thi liên quan.
Minh bạch hóa
Xuất phát từ thực tiễn môi trường pháp lý trong nước có ảnh hưởng lớn đến thương mại, Hiệp định EVFTA dành một chương riêng về minh bạch hóa với các yêu cầu chung nhất để đảm bảo một môi trường pháp lý hiệu quả và có thể dự đoán được cho các chủ thể kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thương mại và phát triển bền vững
Hai bên khẳng định cam kết theo đuổi phát triển bền vững, bao gồm phát triển kinh tế; phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Về vấn đề lao động, với tư cách là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); hai bên cam kết tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện Tuyên bố 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động; bao gồm việc thúc đẩy phê chuẩn và thực thi có hiệu quả các Công ước cơ bản của ILO.
Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thông qua cơ chế chia sẻ thông tin; kinh nghiệm về thúc đẩy việc phê chuẩn, thực thi các công ước về lao động và môi trường trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản…
Các nội dung khác của Hiệp định EVFTA
Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các Chương liên quan tới hợp tác và xây dựng năng lực; pháp lý – thể chế; chính sách cạnh tranh và trợ cấp. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam; tạo khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư.
Lợi ích kinh tế
EU
Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN (sau Singapore). Xuất khẩu của EU sang Việt Nam: thiết bị máy móc và thiết bị vận tải; mặt hàng hóa chất và sản phẩm nông nghiệp. EU nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các thiết bị viễn thông, hàng may mặc và thực phẩm.
Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ EU ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm.
Hiệp Định EVFTA là một bước thứ hai của EU để tiến vào thị trường của khối ASEAN. EU đã ký Hiệp Định Thương mại Tự Do với Singapore (có hiệu lực vào tháng 11/2019). Hiện tại cũng đang bắt đầu đàm phán với các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Việt Nam
EU sẽ giảm hơn 70% thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xóa thuế trong 7 năm tiếp theo.
Không chỉ xóa rào cản thuế quan, hiệp định EVFTA còn kèm theo những điều khoản rộng hơn nhằm mang lại lợi ích cho môi trường kinh doanh; doanh nghiệp, người lao động và các vấn đề khác giữa đôi bên.
Việt Nam hy vọng EVFTA sẽ lôi cuốn các nhà đầu tư từ EU hơn. Hiện nay, EU đứng thứ năm trong các nước đầu tư vào Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, EVFTA được ký kết gồm những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng; bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư, các nhà đầu tư. Điều này sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch; giúp tăng sức hút của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ EU.