top of page

Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng 05/2021

FTA là gì?

FTA là viết tắt của Free Trade Area – khu vực mậu dịch tự do. Đây là một hình thức liên kết quốc tế nhằm xây dựng và hình thành thị trường thống nhất về cả hàng hóa lẫn các loại dịch vụ; tạo nền tảng kết nối và phát triển kinh tế khu vực. Những nước thuộc FTA sẽ được giảm hoặc xóa bỏ những rào cản thuế quan khi muốn đưa hàng hóa vào nước bạn. Những quốc gia tham gia vào FTA vẫn sẽ được hưởng những chế quyền độc lập tự chủ. Các nước dù tham gia vào khu vực vẫn có quyền giữ mối quan hệ hợp tác; thu thuế quan với những quốc gia khác ngoài khu vực mậu dịch tự do.


FTAs đã có hiệu lực

AFTA

Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) là khu vực bao gồm các quốc gia thành viên ASEAN thoả thuận về quá trình liên kết pháp lý quốc tế. Hiệp định này nhằm mục đích thực hiện tự do hoá thương mại, hàng hoá, dịch vụ, đầu tư giữa các nước này bằng cách bãi bỏ các quy định về hàng rào thuế quan và phi quan thuế; áp dụng biểu thuế quan giữa các quốc gia thành viên.

Hiệp định về AFTA được ký kết vào năm 1992 tại Singapore. Hiệp định này có hiệu lực từ năm 1993 và được sửa đổi bổ sung vào năm 1994. Có thể nói AFTA đóng vai trò quan trọng cả kinh tế và chính trị, văn hóa, đối ngoại.

Bên cạnh việc giảm thiểu và xóa bỏ những rào cản về mặt thuế quan đối với các thành viên. AFTA cũng muốn tăng lợi thế cạnh tranh của Asean với các nước trong khu vực Châu Á và toàn thế giới.


ACFTA

Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ASEAN-China Free Trade Area (ACFTA) hay CAFTA. Đây là khu vực mậu dịch tự do được ký kết giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. ACFTA có hiệu lực từ 2007. 

ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí hợp tác trên 11 lĩnh vực: nông nghiệp; công nghệ thông tin và truyền thông; phát triển nguồn nhân lực; phát triển lưu vực sông Mekong; đầu tư; năng lượng; giao thông; văn hóa; y tế công cộng; du lịch và môi trường.


AKFTA

AKFTA là viết tắt của “ASEAN-Korea Free Trade Area”, có nghĩa là “Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Hàn Quốc”.

Các nước tham gia vào Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Hàn Quốc sẽ dành cho nhau các ưu đãi đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại hàng hoá (cắt giảm và xoá bỏ thuế quan, NTBs, TRQs…), thương mại dịch vụ, hợp tác đầu tư… AKFTA có hiệu lực từ 2007.


AJCEP

Tháng 4/2008, ASEAN và Nhật Bản ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP). Hiệp định AJCEP có hiệu lực từ ngày 1/12/2008. AJCEP được đánh giá là một FTA toàn diện trong nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế.


VJEPA

Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) được ký kết ngày 25/12/2008 và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/10/2009. VJEPA có nội dung toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ; đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh,…

Đây là FTA song phương đầu tiên của Việt Nam. Cả Việt Nam và Nhật Bản đều dành nhiều ưu đãi cho nhau hơn so với AJCEP. Tuy nhiên, VJEPA không thay thế AJCEP mà cả hai FTA này đều cùng có hiệu lực. Doanh nghiệp có thể chọn sử dụng FTA nào có lợi hơn.


AIFTA

Hiệp định AIFTA (ASEAN–India Free Trade Area) là hiệp định thương mại giữa các quốc gia ASEAN và Ấn Độ. Hiệp định AIFTA được kí kết vào ngày 13/8/2009 tại Thái Lan. Hiệp định AIFTA thể hiện tầm quan trọng của việc đối xử đặc biệt, tăng sự tham gia cho các nước thành viên ASEAN trong hội nhập kinh tế và hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Ấn Độ.

Tương tự như nhiều FTA khác trong khuôn khổ ASEAN, mặc dù giữa ASEAN và Ấn Độ có nhiều Hiệp định, Hiệp định về hàng hóa là FTA có mức độ tự do hóa đáng chú ý nhất và có hiệu quả thực thi tốt nhất. Hiệp định về dịch vụ mặc dù bao gồm cam kết mở cửa cụ thể của từng thành viên nhưng mức mở cửa cơ bản tương tự WTO.


AANZFTA

Hiệp định AANZFTA (ASEAN-Australia-New Zealand Free Trade Area) là hiệp định thương mại được ký kết giữa các quốc gia ASEAN, Úc và New Zealand. ASEAN, Australia và New Zealand ký kết Hiệp định AANZFTA ngày 27/2/2009, có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. 

AANZFTA bao gồm rất nhiều cam kết về hàng hóa, dịch vụ (gồm cả dịch vụ tài chính và viễn thông), đầu tư, thương mại điện tử, di chuyển thể nhân, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và hợp tác kinh tế. 

Tính đến nay, AANZFTA là hiệp định toàn diện nhất của ASEAN ký với các đối tác đối thoại. Đây cũng là hiệp định phức tạp nhất xét theo các quy định kinh tế.


VCFTA

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA) được ký kết ngày 11/11/2011 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Đây là FTA đầu tiên của Việt Nam với một quốc gia ở khu vực châu Mỹ. 

VCFTA là một FTA truyền thống, chỉ bao gồm các cam kết về hàng hóa và các vấn đề liên quan đến hàng hóa; không bao gồm các cam kết về dịch vụ, đầu tư… VCFTA đề cập đến khía cạnh hàng hóa, như các qui định tạo thuận lợi cho tiếp cận thị trường; qui tắc xuất xứ; các biện pháp vệ sinh dịch tễ; kiểm dịch động thực vật; rào cản kĩ thuật; phòng vệ thương mại…


VKFTA

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. So với AKFTA, trong VKFTA Việt Nam và Hàn Quốc dành thêm nhiều ưu đãi cho nhau trong cả lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Tuy nhiên, VKFTA không thay thế AKFTA mà cả hai FTA này đều cùng có hiệu lực. Doanh nghiệp có thể tùy chọn sử dụng FTA nào có lợi hơn. 

Các nội dung chính của Hiệp định gồm: Thương mại hàng hoá; Thương mại Dịch vụ (bao gồm các Phụ lục về dịch vụ viễn thông, tài chính, di chuyển thể nhân); Đầu tư; Sở hữu trí tuệ; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS); Qui tắc xuất xứ; Thuận lợi hóa hải quan; Phòng vệ thương mại; Hàng rào kĩ thuật trong thương mại (TBT); Thương mại điện tử; Cạnh tranh; Hợp tác kinh tế; Thể chế và Pháp lí.


VN – EAEU FTA

Hiệp định VN-EAEU FTA (Vietnam-Eurasian Economic Union Free Trade Agreement) là hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU – bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) được ký kết ngày 29/5/2015. Có hiệu lực từ ngày 05/10/2016. 

Vì đây là FTA đầu tiên của EAEU, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang khu vực thị trường này.


CPTPP

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP. Đây là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chi Lê, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia.

Hiệp định ký kết ngày 08/03/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/01/2019.

CPTPP giữ nguyên gần như toàn bộ các cam kết của TPP (Tiền thân của CPTPP).


Tham khảo thêm: Nội dung chính và lợi ích của Hiệp định CPTPP


AHKFTA

Ngày 12/11/2017, ASEAN và Hongkong (Trung Quốc) đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (AHKFTA). AHKFTA chính thức có hiệu lực với Hongkong (Trung Quốc) và 5 nước thành viên ASEAN (bao gồm Lào, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) kể từ ngày 11/6/2019. 

AHKFTA là FTA tương đối truyền thống. Nội dung chủ yếu là về thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ; dù có một vài nội dung về các vấn đề khác (sở hữu trí tuệ, hợp tác).


EVFTA

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA cùng với CPTPP là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). EVFTA được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU.

Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 01/08/2020.


Tham khảo thêm bài viết: Hiệp định EVFTA là gì? Lợi ích kinh tế của EVFTA


UKVFTA

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 11/12/2020 và ký kết vào tối 29/12/2020. Hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh.

Hiệp định có hiệu lực tạm thời từ ngày 01/01/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2021.

UKVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam và Anh duy trì các điều kiện thương mại ưu đãi và lợi ích kinh tế thông qua các cam kết mở cửa thị trường đã có trong FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).


FTA chưa phê chuẩn, sắp có hiệu lực

RCEP – Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership) là một hiệp định FTA bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). RCEP được ký kết tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA). Hiệp định RCEP dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2022.


Các FTA đang đàm phán

Việt Nam  – EFTA FTA

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 5/2012. Hiện tại FTA này vẫn đang trong quá trình đàm phán. Hiệp ước này cho phép tự do hóa việc buôn bán trong các nước hội viên.


Việt Nam – Israel FTA

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel bắt đầu khởi động đàm phán từ ngày 2/12/2015. Hiện tại FTA này vẫn đang trong quá trình đàm phán.


Tổng kết lại

FTA là các Hiệp định thương mại tự do được thoả thuận và ký kết giữa các quốc gia, khu vực với nhau để phát triển việc buôn bán, trao đổi hàng hoá. Theo WTO, đã có khoảng 200 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Việt Nam đang tham gia 14 FTA. Mong rằng sau bài viết này, các bạn đã có cái nhìn tổng quan về FTA!

Comments


bottom of page